CHỌN DANH MỤC
0 - 50,000 đ        

Tiêu chuẩn GAP là gì?

Tiêu chuẩn GAP là gì?

Thời gian gần đây độc tố trong sản phẩm nông nghiệp ngày càng cao, nguy cơ độc cấp tính và mãn tính cho người tiêu dùng ngày càng không thể xem nhẹ. Trên thực tế đã có rất nhiều những vụ ngộ độc xảy ra và nguy hại đến sức khỏe cũng như tính mạng của người tiêu dùng. Lối sống của người tiêu dùng thay đổi và các xu hướng xã hội đang diễn ra ở các nước trên thế giới khi dân số trở nên già hơn và giàu có hơn. Những thay đổi kiểu sống của người tiêu dùng ngày càng cao, nhu cầu về chất lượng và an toàn ngày càng tăng. Tự do thương mại và thương mại toàn cầu tăng. Gia tăng các siêu thị. Gia tăng sự chi phối của các siêu thị toàn cầu – các dây chuyền cung cấp đến chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Nhập khẩu/xuất khẩu tăng trong xu thế hội nhập. Các cộng đồng đòi hỏi tính trách nhiệm với nhau giữa người sản xuất-mua bán-tiêu dùng.

Vậy làm thế nào để người tiêu dùng có thể yên tâm và tin tưởng chất lượng các sản phẩm rau quả. Làm thế nào để các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có được lợi thế trên sân nhà khi chúng ta đã và đang mở cửa hội nhập vào nền kinh tế thế giới, hàng nông sản nước ngoài tràn ngập thị trường Việt Nam. Và làm thế nào để sản phẩm nông nghiệp của chúng ta có thể vươn ra thị trường thế giới, tận dụng lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế đất nước. Đó là những vấn đề thách thức của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung cần phải giải quyết. Theo sau diễn đàn khuyến nông và những hội nghị phát triển nông sản Việt Nam. Một trong những kết luận rút ra từ những cuộc họp này là phải áp dụng qui trình nông nghiệp an toàn (Good Agriculture Practices: GAP) trong sản xuất nông nghiệp để có thể đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu.

GIỚI THIỆU GAP

Theo định nghĩa của FAO, 2003 GAP là “Quy trình sản xuất (của một đơn vị cụ thể) nhằm đảm bảo cho môi trường, kinh tế xã hội của đơn vị được bền vững, sản phẩm làm ra phải tốt và an toàn”

Những Quy tắc, Tiêu chuẩn, Quy định của GAP được đề ra trong những năm gần đây bởi các cơ sở sản xuất, các tổ chức Phi Chính phủ và Chính phủ nhằm xác lập một quy trình công nghệ sản xuất thực phẩm tốt cho một cơ sở sản xuất cụ thể.

Tại sao phải đưa ra những Quy tắc, Tiêu chuẩn, Quy định cho “Quy trình sản xuất tốt” GAP? Vì sự giữ gìn cho chất lượng và an toàn sản phẩm ở phạm vi toàn cầu. Mục đích của nó là để  thực hiện những yêu cầu của thị trường và quản lý sản xuất vì mục đích chất lượng và an toàn sản phẩm, phù hợp với từng thị trường. Quy trình đó phải được thể hiện xuyên suốt trong dây chuyền cung ứng (Supply chain) để thực hiện được một quá trình quản lý chất lượng nông sản (Food chain) được tốt cung ứng cho các thị trường tiên tiến, cải thiện môi trường, bảo vệ được sức khỏe và điều kiện làm việc cho người lao động.

Thực hành sản xuất theo GAP có lợi gì cho người sản xuất, và sẽ gặp những trở ngại gì?

Sự có lợi của GAP ở chỗ những quy định, quy tắc và tiêu chuẩn của chất lượng và độ an toàn của nông sản được xác định rõ ràng, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường đánh giá, làm giảm đi những rủi ro của dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) và những tạp chất có hại khác.

Những thử thách, trở ngại chính của chương trình GAP là sự tăng giá thành sản phẩm do công việc ghi chép chứng từ, tập hợp hồ sơ suốt quá trình sản xuất, kiểm tra dư lượng hóa chất và những tạp chất khác trong nông sản, để đủ dữ kiện để có thể truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm. Ngoài ra còn phải đầu tư cho những công việc như đánh giá, và xây dựng hệ thống thông tin để quản lý GAP.

1    Nguồn gốc GAP

Từ năm 1997, theo sáng kiến của những nhà bán lẻ Châu Âu (Euro-Retailer Produce Working Group) nhằm giải quyết mối quan hệ bình đẳng và trách nhiệm giữa người sản xuất sản phẩm nông nghiệp và khách hàng của họ. Họ đã đưa ra khái niệm GAP.

2   GAP trên toàn thế giới- GLOBALGAP

Từ ngày 7/9/2007, hệ thống EurepGAP (GAP của Châu Âu) được nâng lên thành GLOBALGAP (GAP của toàn Cầu). Đó là một tổ chức GAP của tư nhân được toàn thế giới hưởng ứng. Điểm quan trọng nhất của GLOBALGAP:

  1. An toàn thực phẩm.
  2. Truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm khi có sự cố xảy ra.
  3. Sự an toàn của người lao động.
  4. Sức khỏe và an sinh xã hội.
  5. An toàn cho môi trường. GLOBALGAP là tiêu chuẩn quy trình sản xuất của tổ chức làm ra sản phẩm (Prefarmgate).

Nghĩa là chứng chỉ đó bao trùm một chuỗi quy trình sản xuất xuyên suốt từ gieo hạt giống cho đến khi đưa sản phẩm ra khỏi nông trại.

GLOBALGAP được áp dụng cho rau, cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cà phê hạt, trà, heo, gia cầm, cừu và gia súc, bò sữa, thủy sản, một số sản phẩm khác đang xây dựng.

Những yêu cầu chính để thực hiện GLOBALGAP

–         Sản phẩm sản xuất ra phải được đăng ký nơi sản xuất rõ ràng.

–         Cơ sở phải xây dựng hệ thống kỹ thuật và quản lý sản xuất hoàn chỉnh đến sản phẩm cuối cùng.

–         Quy trình sản xuất, bón phân, BVTV có thể linh họat điều chỉnh cho phù hợp.

–         Quản lý chặt chẽ kho thuốc, và dư lượng thuốc BVTV trong nông sản.

–         Hồ sơ sản xuất (trước và sau thu họach) ghi chép, hồ sơ đầy đủ để có thể truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.

Địa chỉ thông tin về GAP:  (FAO GAP: www.fao.org/prods/GAP/index_en.htm)

* Tiêu chuẩn BRC GLOBAL STANDARD – FOOD cho nhà đóng gói

Có 6 yêu cầu:

             1.        Hệ thống HACCP

             2.        Hệ thống quản lý chất lượng

             3.        Tiêu chuẩn về môi trường

             4.        Kiểm soát sản phẩm

             5.        Kiểm soát quá trình thực hiện

             6.        Nhân sự

Hiện nay các cơ sở sản xuất rau quả muốn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP phải có nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn BRC

3   GAP của  khu vực Châu Á – ASEANGAP

ASEANGAP được thành lập bởi Hiệp Hội ASEAN, năm 2006. ASEANGAP có những tiêu chí như sau:

–         An toàn nông sản.

–         An toàn môi trường.

–         Sức khỏe cho người lao động, an sinh xã hội.

–         Chất lượng nông sản.

Địa chỉ thông tin về ASEANGAP:

 (ASEANGAP:  www.aphnet.org/gap/ASEANgap.html)

10 nước thành viên của ASIAN cam kết gia tăng chất lượng và giá trị của sản phẩm rau và trái cây. Từ yêu cầu đó các nước thành viên đã bắt đầu giới thiệu những quy định về đảm bảo chất lượng mà nông dân phải tuân thủ. Hiện nay, một vài nước thành viên nhận ra cần thiết phải có hệ thống đảm bảo chất lượng (QA : Quality Assurance) nên đã phát triển chúng như :

–          Malaysia giới thiệu hệ thống kiểm soát chất lượng SALM (The Farmer Accreditation Scheme of Malaysia)

–         Ở Phillippine giải quyết hệ thống đảm bảo chất lượng dựa trên những quy định về thực phẩm an toàn của Chính phủ.

–         Ở Singapore thì cách tiếp cận lại khác ở chỗ họ phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm (QA) từ Indonesia-nhà cung cấp chủ yếu sản phẩm cho họ.

–         Thailand giới thiệu hệ thống tương tự (Q).

Những hệ thống đảm bảo chất lượng này đã bao trùm những khía cạnh mà tiêu chuẩn GAP yêu cầu. Từ đó các nước thành viên đã quan tâm đến một hệ thống QA mở rộng cho khối ASIAN dựa trên yêu cầu an toàn thực phẩm.

Những quy định được chuẩn hóa ở mức độ chung nhất cho khu vực ASIAN được gọi là ASIAN GAP và nó là một tiêu chuẩn hài hòa phù hợp với các nước thành viên đến năm 2020.

Một nhóm gồm đại diện các nước Malaysia. Phillippine, Singapore và Thailand đã soạn thảo những tiêu chuẩn phù hợp dựa trên cơ sở những hệ thống hiện tại sẽ phát huy tốt nhất trong các nước thành viên. Sản phẩm cuối cùng là ASIAN GAP mà khu vực nhắm đến như là môi trường, kỹ thuật canh tác và an toàn thực phẩm cho xã hội.

4   GAP của một số nước

Một số nước đã có GAP áp dụng cho thị trường của mỗi nước.

–         Thailand: Q GAP và ThaiGAP, do Bộ Nông Nghiệp & Hợp tác xã Thailand đưa ra.

–         Japan: JGAP, do một nhóm người sản xuất xây dựng nên năm 2005, đến 2006 Bộ Nông nghiệp công nhận JGAP là quy trình sản xuất tốt của Nhật Bản. Tháng 8/07 Nhật Bản công nhận GLOBALGAP là quy trình sản xuất tốt của Nhật.

–         Ấn độ: IndiaGAP: được thành lập bởi tổ chức quản lý chế biến xuất nhập khẩu nông sản của Ấn độ. Riêng nông sản xuất sang Châu Âu, Ấn độ sử dụng tiêu chuẩn GLOBALGAP.

–         Trung Quốc: ChinaGAP được thiết lập bởi Nhà Nước Trung Quốc cho nông sản và thực phẩm. Tháng 4/2006 ChinaGAP được hòa nhập với GLOBALGAP đối với nông sản xuất khẩu.

–         Malaysia: SALMGAP, do Bộ Nông Nghiệp Malaysia đưa ra. Phòng kiểm tra chất lượng (Crop Quality Control Division) thuộc Cục Nông nghiệp- Bộ Nông nghiệp Malaysia là đơn vị tổ chức hướng dẫn, kiểm tra và cấp chứng chỉ SAlMGAP cho rau hoa quả.

5   GAP của Việt Nam

–         Ngày 28/12/2007 Bộ Nông Nghiệp & PTNT ra Quyết định số 106/2007/QĐ-BNN, ban hành về quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn. Kèm theo Quyết Định số 106 Bộ có ban hành Quy Định về quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn. Trong điều 2 của Quy Định có nêu rõ: Quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng GAP .

–         Ngày 28/01/2008 Bộ Nông Nghiệp&PTNT ra Quyết định số 379/2008/QĐ-KHCN, ban hành VietGAP: Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam (Good Agricultural Practices for production of fresh fruit and vegetables in Vietnam).

Trong giới thiệu VietGAP, Bộ Trưởng Cao Đức Phát có nói: VietGAP được biên soạn dựa theo ASEANGAP, Hệ thống phân tích nguy cơ và xác định điểm kiểm soát trọng yếu (Hazard Analysis Critical Control Point: HACCP), các hệ thống thực hành sản xuất nông nghiệp tốt quốc tế được công nhận như: EUREPGAP/GLOBALGAP (EU), FRESHGAP (Úc) và luật của Việt Nam về vệ sinh an toàn thực phẩm, VietGAP đáp ứng yêu cầu của người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm rau, quả an toàn. Ngài còn nói: “Người Việt Nam không thể ăn thực phẩm kém an toàn hơn người Châu Âu”.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của VietGAP

  1. Phạm vi điều chỉnh: Quy trình này áp dụng để sản xuất rau, quả tươi an toàn nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến sự an toàn, chất lượng sản phẩm rau, quả, môi trường, sức khỏe, an toàn lao động và phúc lợi xã hội của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
  2. Đối tượng áp dụng: VietGAP áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia sản xuất, kinh doanh, kiểm tra và chứng nhận sản phẩm rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam nhằm:

–         Tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và quản lý an toàn thực phẩm.

–         Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tực hiện sản xuất và được chứng nhận VietGAP.

–         Đảm bảo tính minh bạch, truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm.

–         Nâng cao chất lượng và hiệu quả cho sản xuất rau, quả tại Việt Nam.

Nội dung của VietGAP

Quy trình này áp dụng để sản xuất rau quả tươi an toàn nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến sự an toàn, chất lượng sản phẩm rau, quả, môi trường, sức khỏe, an toàn lao động và phúc lợi xã hội của người lao động trong sản xuất, thu họach và sau thu hoạch.

Ba vấn đề chính xuyên suốt trong quá trình thực hiện VietGAP

  1. 1.      Thực hiện quy trình sản xuất đồng ruộng theo IPM/ICM, nhằm làm giảm áp lực dùng thuốc BVTV để bảo vệ môi trường, bảo vệ sản phẩm được an toàn
  2. 2.      Quá trình sản xuất (từ sản xuất đồng ruộng đến thu hái, đóng gói, bảo quản đến vận chuyển) phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP, nhằm giám sát quá trình sản xuất ra sản phẩm cuối cùng không bị những nguy hại vi sinh vật, hóa học và vật lý. HACCP được phát triển bởi công ty Pillsbury để đảm bảo an toàn thực phẩm cho Chương trình không gian Hoa Kỳ vào đầu năm 1960.
  3. 3.      Quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phải rõ ràng, minh bạch. Sản phẩm bán ra thị trường phải chứng minh được nguồn gốc.

Mười hai nội dung quy trình thực hành VietGAP

  1. Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất.
  2. Giống và gốc ghép.
  3. Quản lý đất.
  4. Phân bón và chất phụ gia.
  5. Nước tưới.
  6. Hóa chất (Bao gồm cả thuốc BVTV).
  7. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
  8. Quản lý và xử lý chất thải.
  9. Người lao động.

10. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm.

11. Kiểm tra nội bộ.

12. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Từ 12 nội dung được chia ra 65 điểm cụ thể

Đứng trước những nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ nếu không thực hiện theo qui trình nông nghiệp an toàn – GAP (Good Agricultural Practices), trái cây Việt Nam sẽ tiếp tục bị sa sút kim ngạch xuất khẩu và gặp khó khăn ngay ở thị trường nội địa vì không thể cạnh tranh với hàng ngoại và người trồng cây ăn trái phải đối mặt với những quy định khi gia nhập WTO. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia thương mại khi bàn về vấn đề nông sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế thế giới. Việc áp dụng GAP lại càng trở nên cấp thiết.

Nguồn : dankinhte.vn
 

TIN TỨC KHÁC
  • Vui lòng đợi ...

    Đặt mua sản phẩm

    Xem nhanh sản phẩm